Thực tế hiện nay cho thấy, nhiều chủ đầu tư phải chạy đua với thời gian để kịp bàn giao căn hộ đúng hạn cho khách hàng. Tuy nhiên nỗ lực này đang gặp nhiều thách thức vì những lý do bất khả kháng cả trực tiếp lẫn gián tiếp.
Trong bối cảnh thị trường bất động sản nói chung và thị trường căn hộ Hà Nội nói riêng đang rất ảm đạm vì nguồn cung khan hiếm thì những dự án đang triển khai và sắp “bung hàng” được kỳ vọng sẽ giải tỏa phần nào áp lực nguồn cung. Tuy nhiên thực tế cho thấy, nhiều chủ đầu tư đang gặp không ít thách thức trong việc đưa dự án về đích đúng hạn do những lý do bất khả kháng cả trực tiếp lẫn gián tiếp. Nhằm giúp độc giả có cái nhìn khách quan, đa chiều về vấn đề nêu trên, phóng viên đã có cuộc phỏng vấn với ông Bùi Trọng Tấn, Chủ tịch Công ty Cổ phần KLB – đơn vị đang triển khai một tổ hợp chung cư lớn trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Ông Bùi Trọng Tấn – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần KLB, Chủ đầu tư dự án Feliz Homes
Nhiều yếu tố bất khả kháng
Là chủ đầu tư một tổ hợp chung cư lớn sắp đưa vào sử dụng ở Hà Nội, ông nhận định thế nào về tình hình thị trường căn hộ hiện nay?
Các chuyên gia đã đề cập và phân tích khá nhiều về thực trạng cũng như nguyên nhân dẫn tới việc khan hiếm nguồn cung của thị trường bất động sản hiện nay. Tôi chỉ xin nói thêm vài điều về vấn đề nhỏ hơn nhưng có vẻ ít nhận được sự quan tâm đúng mức của dư luận là thực trạng của các dự án chung cư đang triển khai và sắp về đích. Các dự án này thực tế là câu trả lời khả dĩ nhất cho bài toán nguồn cung khan hiếm nhưng bản thân nó đang bị “vướng” rất nhiều với đủ mọi lý do khách quan mà doanh nghiệp chưa biết xử lý thế nào. Tôi nghĩ những khó khăn đó cần được kịp thời bàn bạc và tháo gỡ sớm vì nó tốt cho thị trường căn hộ lúc này.
Theo lẽ thường thì một dự án đã đủ điều kiện triển khai và sắp về đích đâu có bị vướng mắc quá nhiều. Ông nghĩ sao về lập luận này?
Đại dịch Covid-19 đã tạo ra quá nhiều bất thường và tác động của nó sâu rộng tới mức nhiều điều bình thường đã trở thành bất thường. Như trường hợp dự án mà chúng tôi đang triển khai chẳng hạn. Hai năm qua, việc thi công dự án gần như bị đình trệ hoàn toàn do phải tuân thủ các biện pháp cách ly, phòng chống dịch bệnh. Những thời điểm không phải cách ly xã hội thì không có công nhân làm việc vì những cú sốc do giãn cách xã hội khiến họ sợ không dám quay lại Hà Nội. Kết quả là dự án bị chậm tiến độ so với kế hoạch. Mà dự án bị chậm tiến độ sẽ lại kéo theo rất nhiều các hệ lụy khác phải xử lý như: phải giải quyết những rắc rối tài chính và thi công do dự án bị kéo dài, đặc biệt phải lùi tiến độ bàn giao nhà … Rõ ràng khối lượng công việc phát sinh rất lớn và nó làm ảnh hưởng đến doanh nghiệp là rất lớn.
Những nguyên nhân ông vừa nêu có phải là những khó khăn chính mà đại dịch Covid-19 gây ra cho doanh nghiệp?
Đó chỉ là một vài điểm sơ lược chính của vấn đề. Đối với những doanh nghiệp có thực lực, họ vẫn có thể gắng gượng khắc phục và vượt qua. Nhưng nhìn rộng ra thế giới, chính sách Zero Covid mà Trung Quốc áp dụng là một trở ngại rất khó để khắc phục. Ai cũng biết Trung Quốc là công xưởng của thế giới nhưng vì công xưởng đó bị phong tỏa hoàn toàn nên việc nhập máy móc, thiết bị phục vụ dự án bị đình trệ hết. Trước dịch, chúng tôi muốn nhập một lô thang máy Hitachi về Việt Nam chỉ mất 03-04 tháng. Nhưng hiện nay doanh nghiệp mất gần 1 năm đặt hàng mà vừa rồi lô hàng mới về công trình. Một dự án mà không có hoặc thiếu thiết bị, máy móc sẽ không thể thi công, hoàn thiện kịp tiến độ được. Đây là thách thức vô cùng lớn mà doanh nghiệp phải đối mặt và đang phải tìm cách tháo gỡ dần.
Ngoài những khó khăn do tác động của dịch bệnh thì các dự án đang triển khai, sắp về đích phải đối mặt với thách thức nào khác nữa, thưa ông?
Vừa qua, chính sách thắt chặt tiền tệ đã làm cho doanh nghiệp khó càng thêm khó. Bản thân chính phủ vừa rồi cũng phải tổ chức buổi đối thoại với nhiều doanh nghiệp bất động sản để tháo gỡ vấn đề này. Nhưng ở đây tôi muốn bàn đến một vấn đề nhỏ hơn là tác động gián tiếp của chính sách này tới doanh nghiệp.
Công ty Cổ phần KLB có phần nào may mắn khi tương đối tự chủ được tài chính và không bị ảnh hưởng trực tiếp bởi chính sách thắt chặt tiền tệ. Theo lẽ thường, doanh nghiệp của tôi có tiền thì mọi việc cứ thế triển khai. Nhưng oái ăm là chúng tôi có tiền cũng không thể triển khai vì chủ đầu tư phải phụ thuộc vào các nhà thầu xây dựng. Mặc dù chúng tôi thanh toán đúng, đủ theo tiến độ cho các nhà thầu xây dựng nhưng bản thân các nhà thầu xây dựng đang gặp rất nhiều khó khăn (bị chủ đầu tư các dự án khác nợ tiền do không thu xếp được tài chính vì chính sách thắt chặt tiền tệ, khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng, giá nhân công, vật tư xây dựng tăng cao …) nên lâm cảnh “giật gấu vá vai”. Họ sử dụng tiền thanh toán của chúng tôi để xử lý các khó khăn nội tại dẫn đến việc không tập trung thi công. Thành ra tiền mình trả đủ cho nhà thầu nhưng tiến độ họ không đáp ứng được theo yêu cầu. Đã có nhà thầu không đủ năng lực thực hiện buộc phải thay thế bằng nhà thầu khác dẫn đến gián đoạn và kéo dài thời gian thi công dự án.
Dự án Feliz Homes đang trong các công tác cuối cùng để hoàn thiện bàn giao căn hộ
Sự đồng hành của khách hàng là mấu chốt
Trước nhiều bài toán khó như ông vừa nêu, theo ông doanh nghiệp cần phải làm gì để tìm được lời giải?
Trong những thách thức tôi nêu ở trên thì có một số thật sự rất khó giải quyết (chẳng hạn việc Trung Quốc áp dụng chính sách Zero Covid khiến nguồn hàng nhập về Việt Nam phải chờ đợi rất lâu). Tất nhiên trong phạm vi khả năng của mình, nếu nút thắt nào tháo gỡ được thì chúng ta phải cố gắng giải quyết thật nhanh. Đơn cử như vướng mắc với nhà thầu ở trường hợp doanh nghiệp của tôi chẳng hạn. Khi nhận thấy nhà thầu nào không còn đủ khả năng thực hiện, chúng tôi kiên quyết thanh lý hợp đồng và mời nhà thầu khác đủ năng lực vào thay thế.
Riêng trong quá trình thi công, nhà thầu vướng ở đâu thì chủ đầu tư cùng xắn tay vào bàn bạc, tìm cách giải quyết. Ví dụ có nhà thầu ở dự án chúng tôi vì khó khăn tài chính nên nợ tiền đơn vị cung cấp vật liệu dẫn tới không có vật liệu thi công. Để đảm bảo tiến độ dự án, chúng tôi sẵn sàng tạm ứng, cho nhà thầu vay tiền để thanh toán cho bên cung ứng vật liệu. Hay như một số trường hợp nhà thầu xin điều chỉnh hợp đồng để phù hợp với bối cảnh nhân công, vật tư xây dựng tăng phi mã, chủ đầu tư cũng sẵn sàng chia sẻ và đồng hành. Thời gian này, chúng tôi gần như có mặt 24/24h tại công trường để đốc thúc các đơn vị thi công cũng như để giải quyết các phát sinh có thể xử lý được trong khả năng. Nhờ có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà thầu và chủ đầu tư nên những khó khăn của chúng tôi phần nào được khắc phục, tiến độ dự án phần nào đáp ứng được yêu cầu.
Feliz Homes nổi danh với mật độ xây dựng thấp và không gian sống xanh ngay giữa Thủ đô
Nếu được lựa chọn, ông sẽ chọn điều gì là thách thức lớn nhất cho doanh nghiệp hiện nay?
Tất cả những điều tôi đề cập ở trên chưa phải là thách thức lớn nhất. Tôi biết nhiều dự án, khách hàng vì không hiểu mà phản ứng với chủ đầu tư mỗi khi lịch bàn giao căn hộ bị lùi ngày. Chúng tôi hiểu tâm lý khách hàng nhưng trước nhiều khó khăn bất khả kháng như vậy, doanh nghiệp dù nỗ lực hết sức mình cũng không biết xoay xở như thế nào? Vì thế tôi cho rằng thách thức lớn nhất là làm sao để khách hàng hiểu, cảm thông và đồng hành cùng doanh nghiệp.
Trước thực tế mà ông đã nêu ở trên, ông có lời nhắn nhủ nào tới khách hàng của mình nói riêng và khách hàng mua căn hộ trong thời gian tới?
Tôi nghĩ không chủ đầu tư nào thích kéo dài dự án vì nó ảnh hưởng trực tiếp tới túi tiền doanh nghiệp. Tuy nhiên hiện nay nhiều doanh nghiệp bất động sản thực sự đang phải đối mặt với khó khăn, trong đó có những khó khăn đến từ lý do bất khả kháng. Bởi thế điều tôi trăn trở và mong mỏi nhất là khách hàng chịu hiểu, chịu chia sẻ và chịu đồng hành cùng doanh nghiệp. Hợp tác vì mục tiêu chung sẽ khiến tất cả chúng ta đạt được mục tiêu riêng của mình.
Xin cảm ơn ông!
(Theo Tạp chí điện tử Thương hiệu & Công luận)