Nhờ đoàn kết, năng động, đời sống người dân thôn Quang Rực, xã Hồng Phong (Ninh Giang, Hải Dương) ngày một khấm khá, trở thành điểm sáng của huyện.

Người dân thôn Quang Rực vui mừng đón tiếp Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Trần Đức Thắng cùng nhiều lãnh đạo Trung ương và sở, ngành đến chung vui tại Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc. Ảnh: TUẤN ANH

Sẻ chia vì cộng đồng

Những ngày đầu tháng 11, tuyến đường trục chính dẫn về Trung tâm Văn hóa - Thể thao của thôn Quang Rực, xã Hồng Phong (Ninh Giang) rực sắc đỏ của cờ hoa. Không khí rộn ràng của Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc lan tỏa khắp các nẻo đường của thôn, xóm.

Dù tuổi cao, sức khỏe không tốt nhưng bà Đinh Thị Bé (87 tuổi) vẫn tới dự ngày vui của nhân dân trong thôn, bởi với bà đây là ngày hội lớn. Bà Bé chia sẻ: “Ngày hội Đại đoàn kết năm nào tôi cũng tham dự nhưng năm nay có nhiều niềm vui hơn. Nhà văn hóa của thôn xuống cấp được thay thế bởi Trung tâm Văn hóa - Thể thao khang trang, hiện đại nhất xã. Trước đây, các hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao của người dân trong thôn có phần hạn chế. Nhà văn hóa mới được xây to, đẹp sẽ là nơi giao lưu và gắn kết nhân dân trong thôn”.

Ông Bùi Trọng Tấn, con em quê hương ủng hộ 400 triệu đồng để hỗ trợ xây nhà cho hội viên cựu chiến binh trong xã. Ảnh: TUẤN ANH

Trung tâm Văn hóa - Thể thao thôn Quang Rực chính là công trình thể hiện sự sẻ chia vì cộng đồng của người con quê hương. Công trình có tổng giá trị 5 tỷ đồng do ông Bùi Trọng Tấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Đầu tư KLB, cũng là người con quê hương Quang Rực tài trợ hoàn toàn. Ngoài ra, ông Tấn còn tài trợ nhiều công trình khác như xây dựng Trạm Y tế xã, làm đường giao thông, cải tạo chùa thôn Quang Rực, trồng cây xanh… với tổng giá trị trên 20 tỷ đồng.

“Rời quê hương lập nghiệp từ sớm nhưng giống như nhiều người con xa quê khác, dù ở xa hay về gần, khi nghe hai tiếng “quê hương” đều thấy thiêng liêng trân quý. Bởi vậy, khi thành công, việc đầu tiên tôi muốn làm là “trả ơn” mảnh đất này, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn. Điều tôi mong muốn nhất là thấy quê hương ngày càng phát triển”, ông Bùi Trọng Tấn nói.

Ông Đào Huy Du, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Quang Rực cho biết, cán bộ và Ban Công tác Mặt trận thôn cùng các đoàn thể luôn duy trì mối liên hệ với những người con quê hương đang công tác, sinh sống trên mọi miền Tổ quốc và ở nước ngoài. Họ luôn hướng về quê hương bằng những việc làm thiết thực, chung tay góp phần xây dựng quê hương. “Nhờ có sự sẻ chia của những người con quê hương cùng với tinh thần đoàn kết của nhân dân, thôn Quang Rực mới có thể phát triển như ngày hôm nay”, ông Du nói.

Đoàn kết để phát triển

Người dân thôn Quang Rực phấn khởi dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc. Ảnh: TUẤN ANH

Thôn Quang Rực có 765 hộ với 2.755 nhân khẩu. Thôn nằm ở xa trung tâm huyện, giáp với huyện Quỳnh Phụ (Thái Bình), kinh tế phụ thuộc vào nông nghiệp là chính. Những năm qua, cán bộ và nhân dân trong thôn đã đoàn kết để giúp nhau phát triển kinh tế. Dưới sự hướng dẫn của các đoàn thể, người dân trong thôn đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Chủ động áp dụng tiến bộ kỹ thuật, đưa những giống cây, con có giá trị kinh tế cao vào sản xuất. Đẩy mạnh phát triển tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ, phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại.

Không khí rộn ràng của Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc lan tỏa khắp các nẻo đường của thôn Quang Rực

Chính quyền, các đoàn thể tạo điều kiện thuận lợi để hội viên, đoàn viên vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh. Diện mạo thôn Quang Rực có sự thay đổi rõ nét. Đường làng, ngõ xóm nhỏ hẹp trước đây được thay bằng đường bên tông, tạo thuận lợi cho người dân đi lại. Những ngôi nhà cao tầng khang trang, to đẹp thay thế cho nhà cấp 4 lụp xụp. Từ thôn còn nghèo khó, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao. Thôn có hơn 100 hộ giàu, hơn 300 hộ khá. Hiện tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,4%; hộ cận nghèo giảm còn 1,56%.

Thôn có 5 đội văn nghệ, 3 đội bóng chuyền hơi, 1 đội bóng đá và 1 câu lạc bộ thể dục dưỡng sinh thu hút gần 200 thành viên tham gia. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao được duy trì thường xuyên. 21 dòng họ trong thôn có Quỹ Khuyến học với tổng số tiền quỹ trên 200 triệu đồng. Hằng năm các dòng họ đều tổ chức trao thưởng cho học sinh, sinh viên có thành tích tốt trong học tập. Đường làng ngõ xóm thường xuyên được quét dọn, bảo đảm xanh, sạch, đẹp.

Ông Đặng Huy Hiến, Chủ tịch UBND xã Hồng Phong cho biết, từ các cuộc vận động, phong trào thi đua đến phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường, văn hóa văn nghệ... người dân thôn Quang Rực đều thể hiện trách nhiệm cao với cộng đồng. Thu nhập bình quân đầu người trong thôn tăng dần hằng năm, năm 2024 ước đạt khoảng 74 triệu đồng/người, cao hơn khoảng 1 triệu đồng/người so với các thôn còn lại. Nhân dân trong thôn đoàn kết và trở thành điểm sáng của Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.

Chia sẻ bài viết