Theo đại diện Colliers Việt Nam, ước tính hơn 70% giao dịch toàn thị trường năm qua đã đến từ các nhà đầu tư F0. Tỷ lệ này có thể tăng lên trong vài năm tới.
Những nhà đầu tư mới không chuyên, không am tường thị trường, lần đầu tham gia đầu tư bất động sản (BĐS) được người trong giới gọi là nhà đầu tư F0. Họ mua BĐS để ở, kinh doanh, đầu cơ hoặc làm của để dành. Nhóm này gia nhập thị trường địa ốc ngày càng nhiều, được các chuyên gia đánh giá cao về vai trò kéo đẩy thị trường vượt khó.
Quả thực, thị trường BĐS giai đoạn 2020-2021, chứng kiến sự tham gia rõ nét nhất của những NĐT BĐS là F0. Đó là những NĐT mới mà theo cách đánh giá của chuyên gia trong ngành, họ là những đối tượng mới tham gia thị trường BĐS, đem theo tâm trạng "hồ hởi", và một chút "quyết đoán" khi xem BĐS là món hời tốt hơn các kênh đầu tư đã từng thử qua.
Chia sẻ về động thái của NĐT bất động sản F0, ông David Jackson, Tổng giám đốc của Colliers Việt Nam cho rằng, ước tính hơn 70% giao dịch toàn thị trường năm qua đã đến từ các nhà đầu tư F0. Tỷ lệ này có thể giữ nguyên ở mức hiện tại hoặc tăng lên trong vài năm tới khi giá BĐS có khả năng tăng theo thời gian.
Vị chuyên gia này đánh giá, nhà đầu tư F0 thường sẽ trả kỳ thanh toán đầu tiên và cố gắng tìm cách bán BĐS để tránh việc phải tiếp tục trả các kỳ thanh toán tiếp sau. Họ mong muốn có được khoản lợi nhuận nhỏ trong quãng thời gian ngắn và điều này thường khiến giá BĐS tăng rất nhanh.
Ông David Jackson lưu ý khi đầu tư, F0 cần tường tận về dòng tiền của chính mình, lập lược đồ rủi ro và quan tâm tính thanh khoản của sản phẩm. Cho dù bản thân muốn "lướt sóng" để kiếm lợi nhuận không quá cao trong thời gian ngắn thì việc có một khoản tiền dự trữ phù hợp vẫn rất quan trọng, phòng khi không thể tìm ra người mua lại BĐS. Nếu tình hình tài chính của bản thân không thực sự ổn định, nhà đầu tư F0 có thể chuyển hướng một cách thận trọng với mức đầu tư dè dặt hơn vào cổ phiếu, trái phiếu hoặc tiền gửi cố định.
Bên cạnh đó, NĐT cũng cần tự mình kiểm tra kỹ lưỡng các thông tin của dự án, chẳng hạn như uy tín của chủ đầu tư hay tính pháp lý của dự án.
Còn ông Phan Công Chánh, chuyên gia BĐS cá nhân, hiện nay các NĐT bất động sản F0 đang mang tâm trạng "hồ hởi", phấn chấn để vào thị trường BĐS. Họ không ở trạng thái chờ hay nghe ngóng BĐS quá nhiều, mà đang từng bước chuyển dần dòng tiền từ kênh khác sang BĐS nhưng không theo kiểu ồ ạt. Chẳng hạn, chứng khoán đang hấp dẫn, NĐT F0 sẽ lấy một phần vốn và lợi nhuận thắng chứng khoán để bỏ vào BĐS, nếu có rủi ro thì vẫn còn vốn. Theo đó, trạng thái của NĐT F0 là rút vốn từng bước một, từ từ bỏ tiền vào BĐS.
"Họ là những NĐT hân hoan, hồ hởi, có đà thắng chứng khoán, sẽ bỏ tiền vào BĐS, nhưng các NĐT này cũng ở trạng thái thăm dò để giải ngân. Họ rút vốn từ từ, từng bước, không giải ngân liền do tâm lý còn e dè với Covid-19", ông Chánh chia sẻ.
Tuy vậy, vị chuyên gia này cũng lưu ý các NĐT F0 là nên cận trọng khi vào thị trường, bên cạnh tâm trạng hồ hởi thì phải biết quan sát thị trường, có điểm dừng để không bị mất cả chì lẫn chài.
Ngoài ra, NĐT vào thị trường cần lưu ý đến tính thanh khoản của BĐS mình đang đầu tư. Cân đối danh mục tài chính và nguồn hàng, tốt nhất với bối cảnh thị trường BĐS như hiện nay cần cân đối sao cho nguồn tài chính sẵn có cần chiếm tỉ trọng lớn hơn tiền vay để tránh rủi ro.
Theo Hội môi giới BĐS Việt Nam, năm 2020 chứng kiến thị trường với nguồn cung lẫn lực cầu giảm. Tuy nhiên, lực cầu tuy giảm nhưng lại thu hút nhà đầu tư ngoài ngành hướng vào, làm tăng khoảng 30% lực cầu đầu tư mới. Đây chính là các nhà đầu tư F0.
Còn chia sẻ trên báo chí trước đó, ông Trần Khánh Quang, Chuyên gia BĐS cũng nhận định thị trường Tp.HCM đang bão hòa số lượng NĐT cũ vì dòng vốn bị hạn chế. NĐT cũ đang ôm hàng nhiều sẽ có nhu cầu muốn thoát bớt khoảng 70% BĐS để chốt lời, cắt lỗ, trả nợ... Đây nguồn hàng thứ cấp khá dồi dào trong bối cảnh nguồn cung sơ cấp mới tăng tốc nhẹ, là cơ hội tốt cho nhóm nhà đầu tư F0.
Ba nhóm nhà đầu tư F0 được ông Quang chỉ ra sẽ gia nhập thị trường trong vài quý tới. Nhóm thứ nhất là chủ các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh. Họ tích lũy tiền mặt lớn để dự phòng nhưng do kinh tế biến động nên dòng tiền đột ngột ngắt kết nối với kênh truyền thống. Nhóm thứ hai là nhân viên văn phòng từ cấp quản lý trở lên, có thể tạm gọi là tầng lớp trung lưu cấp trên.
Đối tượng này có tiền nhàn rỗi quy mô trung bình khá, thu nhập ổn định, có thể quan tâm các dự án mới với chính sách thanh toán hấp dẫn. Nhóm thứ ba là người dân ở tỉnh mua BĐS dịch chuyển về đô thị lớn hoặc cho con em trên TP học. Những sản phẩm có vị trí tốt, giá không quá cao và phương thức thanh toán linh hoạt có thể tạo động lực thúc đẩy nhóm này gia nhập thị trường vì họ có nhu cầu thật.
Đặc điểm NĐT F0 chủ yếu là đầu tư từ dòng tiền nhàn rỗi. Các chuyên gia lưu ý nhóm này cần tìm hiểu kỹ về pháp lý, nên tìm đến nhà, đất có sổ và đầu tư dài hạn chứ không tham lam lướt sóng.
--------------------
Theo Nhịp sống kinh tế