GS.TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục có những chia sẻ về vấn đề “Sống xanh – xu thế của thời đại”.
GS.TSKH Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường
PV: Như vậy trong nội thành hiện nay, điều kiện phát triển công trình xanh là rất ít, nhưng nhiều dự án có mật độ xây dựng lên tới gần 100% mà giá vẫn cao, thưa ông?
GS. Đặng Hùng Võ: Việc giá cao ở đây thể hiện chúng ta đang thiếu nhà, rồi ta cũng chỉ nghĩ đến chuyện cuộc sống miễn là có giường để ngủ, có chỗ để ngồi ăn, thế là được rồi. Đó là tư duy chỉ cần có nhà ở từ thủa xưa mà ta chưa nghĩ đến câu chuyện của ngày nay là cần nơi ở. Nơi ở bao gồm chỗ ở là phần rất nhỏ nhưng nơi sinh hoạt của con người hay không gian sống chiếm tỷ lệ cao. Tính ra cuộc sống đầy đủ ở châu Âu thì một ngày người ta chỉ nằm trên giường 6 tiếng thôi, còn lại vào các không gian khác của đô thị, của khu ở để sinh hoạt.
Vì vậy, chúng ta sớm phải thay đổi tư duy chật chội của các khu phố cổ để chuyển sang khái niệm về chỗ ở, tức là có đầy đủ tiện nghi của cuộc sống, cả bên trong và bên ngoài nhà ở, con trẻ phải có không gian tiếp xúc với thiên nhiên và cảnh vật để phát triển tư duy và thể chất, cải thiện sự tập trung và tính kỷ luật; người già phải có không gian thể dục và thư giãn mới tái tạo được năng lượng, gia tăng sức khỏe và tuổi thọ.
Quốc tế đã dùng một thuật ngữ gọi là nâng cấp đô thị, trong đó có kiểu do nhà nước nâng cấp (kiểu này thì ít). Kiểu khác là do nhu cầu sống dẫn đến việc mọi người cùng bỏ tiền vào nâng cấp theo tiêu chí không gian xanh và công cộng nhiều hơn, việc sử dụng điện cũng được cải tạo, yếu tố môi trường được quan tâm hơn, việc làm sạch không khí cũng cần được xử lý… Đây là xu hướng chung mà các nước châu Âu, Bắc Mỹ họ làm từ lâu rồi. Ngân hàng thế giới cũng từng có ít nhất khoảng 4-5 dự án về nâng cấp đô thị theo định hướng xanh hay đô thị thông minh… Tất cả đều được các tổ chức phát triển quốc tế rất quan tâm và có nhiều khuyến nghị khá cụ thể về phát triển đô thị Việt Nam bằng cách nâng cấp hướng tới các tiện nghi tương lai.
PV: Dưới góc độ của chuyên gia, theo ông, nguyên nhân của việc thiếu nhà hiện nay là gì?
GS. Đặng Hùng Võ: Theo tôi, nguyên nhân chính dẫn đến thị trường đang thiếu nhà là do quỹ đất khan hiếm, dân số tăng nhanh. Chúng ta phải làm một bước khá dài nữa may ra mới có vị trí phát triển đô thị xanh.
Đầu tiên, việc nâng cấp đô thị từ cải tạo các chung cư cũ vốn đã khó bởi nhiều khu xuống cấp bao năm nay nhưng vẫn còn sử dụng.
Thứ hai, quỹ đất công Hà Nội có nhưng có thể đang để không, chưa giao cho ai hoặc đang thuộc tư nhân nào đó tích trữ, không biết chủ là ai. Ta có quy định về chuyện xử lý “nhà vắng chủ”, nhưng cũng không thực sự mạch lạc, kể cả quy định luật pháp lẫn thực thi tại các địa phương. Trong nhiều năm qua, đất công sản còn trống chuyển sang cho tư nhân theo thẩm quyền giao đất cũng bị biến tướng nhiều, làm cho nhiều lãnh đạo địa phương rơi vào vòng lao lý…
Thứ ba, Bộ Xây dựng đã ban hành Quy chuẩn kỹ thuật về quy hoạch đô thị nhiều lần, có quy định đầy đủ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, hạ tầng môi trường khá chi tiết nhưng chưa được triển khai hiệu quả. Việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch, điều chỉnh dự án không đúng đã phá với nhiều tiêu chí “xanh” đặt ra trong Quy chuẩn kỹ thuật đã ban hành.
Sống xanh là xu hướng chung mà các nước châu Âu, Bắc Mỹ đã làm từ lâu
Thứ tư, kể từ 2018, thị trường phát triển nhà ở đang hoạt động khá tốt thì bị dừng lại, số lượng dự án được phê duyệt tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đã giảm đi 10 lần do xung đột pháp luật và khoảng trống pháp luật. Đến 2020, nhiều luật đã được sửa đổi như Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng, Luật Đầu tư sửa đổi... nhưng Luật Đất đai vẫn nằm yên…
Mặt khác, công cuộc phòng chống tham nhũng đã đi vào thực chất, làm cho hầu hết các dự án phát triển nhà ở đã xong nhưng không phê duyệt được. Đến nay, Luật Đất đai vẫn chưa được sửa đổi, làm cho nguồn cung nhà ở thiếu hụt trầm trọng.
PV: Ông có lời khuyên nào cho người mua nhà hiện nay không?
GS. Đặng Hùng Võ: Theo tôi, nếu đã tìm kiếm được nơi có điều kiện phù hợp với tương lai xa thì ta nên tranh thủ quyết định sớm kẻo bỏ lỡ cơ hội, nhất là trong nội đô. Bởi với ngữ cảnh nguồn cung hiện tại rất thấp, tiềm năng cung cũng thấp, trong khi đó cầu rất cao, ngày càng cao, việc khó tìm nhà ở, nhất là khu ở “xanh” là đương nhiên.
Hiện nay, xu hướng người dân chuyển sang lựa chọn sống xanh khá phổ biến
Một mặt là sau Covid-19, người dân phải đầu tư vào bất động sản để sinh lời, rồi người chưa có chỗ ở, gia đình thì sinh sôi dần lên, người nơi khác về Thủ đô ngày càng nhiều, các dự án nhà ở không phê duyệt được do thiếu pháp lý làm cho cung ngày càng thấp và cầu ngày càng cao. Những khu nhà gần với tiêu chí xanh đã hiếm lại càng hiếm hơn.
Những dự án có điều kiện thỏa mãn các tiêu chí xanh có đắt hơn cũng là điều tất yếu và cũng là mục tiêu quan trọng cần xem xét vì tương lai của chất lượng cuộc sống mang tính toàn cầu.
PV: Hiện nay, xu hướng người dân chuyển sang lựa chọn sống xanh khá phổ biến. Theo đánh giá của ông, họ là ai?
GS. Đặng Hùng Võ: Tôi cho rằng có 2 yếu tố quan trọng quyết định đó là ai.
Thứ nhất, đó là người có tiềm lực kinh tế: Có thể là tiềm lực hiện tại hoặc 1 phần dựa vào khả năng tín dụng, tức là có 1 phần đi vay ngân hàng.
Điều thứ 2 quan trọng hơn, đó chính là tư duy. Chúng ta phải có tư duy về phát triển xanh thì lúc đó mới biết quý trọng, nhất trí rằng mình chi cao hơn một chút lúc này nhưng lại có tương lai xanh tốt hơn rất rất nhiều lần cuộc sống tàm tạm như hiện nay.
Nếu trước đây chỉ lo đủ ăn và đủ mặc, rồi đến nay đạt được ăn ngon, mặc đẹp, thì tương lai sẽ cần những điều kiện sống vượt trên cao hơn ăn và mặc, đó là không gian sống gắn liền với thiên nhiên hơn cho tất cả mọi người, đặc biệt là con trẻ và người già.
Với tiêu chí “xanh” của tương lai thì điều kiện tàm tạm như hiện nay sẽ trở thành vô nghĩa. Vậy tôi cho rằng tư duy về cuộc sống xanh vẫn mang tính chi phối đến việc chúng ta quyết định tương lai của chúng ta ngay từ hôm nay nếu đủ điều kiện.
PV: Vâng, xin trân trọng cảm ơn ông!